* Nhà nước cấp phép hoạt động nhận chìm
Theo quy định của pháp luật, việc nhận chìm chất nạo vét ở biển chỉ được thực hiện khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép nhằm bảo đảm hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu tới môi trường, hệ sinh thái biển. Vật, chất được nhận chìm ở biển phải đáp ứng các điều kiện theo quy định và việc nhận chìm ở biển phải được quản lý, kiểm soát chặt chẽ.
Việc nạo vét nhằm phục vụ xây dựng cảng biển, bảo đảm duy trì cho hoạt động của các cảng biển, luồng hàng hải; phục vụ tàu thuyền ra, vào các cảng biển an toàn, thuận lợi. Trong quá trình đó, có một lượng chất nạo vét có nhu cầu nhận chìm xuống biển.
Tuy nhiên, quản lý hoạt động nhận chìm ở biển là lĩnh vực mới, việc triển khai thực hiện trong thời gian qua cho thấy còn có những khó khăn, vướng mắc và hạn chế nhất định từ khâu lập hồ sơ, xem xét, đánh giá, xác định vị trí nhận chìm, thẩm định, cấp giấy phép nhận chìm ở biển.Các khó khăn, vướng mắc có nguyên nhân về nhận thức, về cơ sở vật chất, kỹ thuật và năng lực thực hiện. Bên cạnh đó, các quy định hiện hành cần phải được tiếp tục rà soát, xem xét để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý và tình hình thực tiễn.
Để tháo gỡ một số vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật về nhận chìm, giao khu vực biển để nhận chìm, tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 01 năm 2018, Chính phủ đã xem xét, thống nhất với đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc giao khu vực biển để nhận chìm vật, chất nạo vét trong trường hợp chưa có Quy hoạch sử dụng biển (Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 08/02/2018 của Chính phủ).
Luồng vào cảng Quy Nhơn ra biển được đề xuất nhận chìm vật chất nạo vét (Ảnh: Báo Sài Gòn giải phóng)
* Hoàn thiện các quy định pháp lý
Thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn số 2759/BTNMT-TCBHĐVN ngày 29/5/2018 hướng dẫn xác định khu vực biển để nhận chìm chất nạo vét, giải quyết hồ sơ đề nghị giao khu vực biển và giao khu vực biển để nhận chìm chất nạo vét luồng lạch, cảng biển quân sự phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường, trong đó có các quy định liên quan đến hoạt động nhận chìm ở biển. Đồng thời, hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014 của Chính phủ quy định việc giao khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển, trình Chính phủ, trong đó quy định: tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép nhận chìm vật, chất ở biển không phải thực hiện thủ tục giao khu vực biển để nhận chìm, nhưng phải nộp tiền sử dụng khu vực biển để nhận chìm.
Chỉ đạo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thực hiện việc điều tra, đánh giá, xác định một số khu vực biển có thể sử dụng để nhận chìm; đồng thời, xây dựng Thông tư quy định kỹ thuật đánh giá chất nạo vét và xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét ở vùng biển Việt Nam. Trong đó, tập trung quy định đối với chất nạo vét và xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét ở biển. Hiện Tổng cục Biển và Hải đảo Việt nam đã hoàn thiện việc xây dựng dự thảo Thông tư; chuẩn bị xin ý kiến các bộ ngành và tham vấn cộng đồng nhằm đảm bảo quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật, đồng thờicó tính khả thi và phù hợp với thực tiễn. Dự kiến ban hành trong quý IV năm 2019.
Bên cạnh việc tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về nhận chìm, giao khu vực biển, đảm bảo toàn diện, thống nhất, phù hợp với thực tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương có biển căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, xây dựng phương án xử lý chất nạo vét có hiệu quả, xem xét ưu tiên tối đa việc sử dụng để san lấp mặt bằng công trình ven biển, chống xói lở bờ biển trên cơ sở định hướng tổng thể giữa triển khai các dự án ven biển có nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp với các dự án phát sinh chất nạo vét trong khu vực; tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn chủ đầu tư trong việc lập hồ sơ nhận chìm chất nạo vét, trình các cơ quan có thẩm quyền theo đúng nội dung, trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật.
Ngọc Bách
Bài viết khác
- Ngành nhựa đổi mới công nghệ sản xuất (13-09-2019)
- Ngành nhựa, cao su trước cơ hội bứt phá (13-09-2019)
- Sức hút của điện mặt trời đối với các nhà đầu tư (13-09-2019)